Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mỏi mòn đợi doanh nghiệp

 23/08/2024

CHƯA CÓ DN NHẬN HỖ TRỢ

Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 30 phê duyệt phương án giao nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, sử dụng nguồn ngân sách Trung ương. Theo đó, giao các sở liên quan nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng do Trung ương phân bổ để triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cụ thể, giao Sở Thông tin và Truyền thông 500 triệu đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ công nghệ cho DN gồm: hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số và hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số. Giao Sở Khoa học và Công nghệ 250 triệu đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ công nghệ cho DN gồm: hỗ trợ hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của DN, tư vấn quản lý và phát triển sản phẩm; hỗ trợ hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với DN; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng. Giao Sở NN&PTNT 750 triệu đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường). Từ đó, các sở đã thực hiện công khai thông tin hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2024 trên các phương tiện truyền thông để các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đăng ký, đề xuất hỗ trợ theo quy định. Song, đến nay vẫn chưa có DN đăng ký nhu cầu để nhận được sự hỗ trợ từ chính sách này.

CẦN KHAI THÔNG CHÍNH SÁCH

Một trong những thuận lợi trong thực hiện kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa thời gian qua chính là được sự quan tâm và hỗ trợ nguồn vốn phân bổ của Trung ương. Thế nhưng, việc thực hiện công tác này còn gặp nhiều khó khăn và nhiều năm qua đều giải ngân không hết vốn phân bổ. Cụ thể, đối với nhiệm vụ hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, thì phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính còn khó khăn, còn tâm lý ngại thay đổi, kỹ năng số còn hạn chế, nhiều DN không có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin nên việc sử dụng các dịch vụ, sản phẩm số, ứng dụng số vào hoạt động của DN để chuyển đổi mô hình kinh doanh chưa thật sự mạnh mẽ, rộng khắp. Các phần mềm, dịch vụ cơ bản hoặc bắt buộc phải sử dụng theo quy định như: hóa đơn điện tử, quản lý bán hàng, quản lý nhân sự… thì giá thuê, mua không quá cao, nên các DN tự trang bị và không có nhu cầu đề xuất hỗ trợ. Đối với các giải pháp chuyển đổi số khác có chi phí cao thì DN không đăng ký nhu cầu hỗ trợ do phải đối ứng 50% chi phí theo quy định.

Đối với nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đa phần DN không có nhu cầu với việc hỗ trợ về tư vấn mà chỉ cần hỗ trợ chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích), chi phí thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, chi phí xây dựng các tiêu chuẩn (HACCP, VietGAP, GlobalGAP,...), quy chuẩn cho DN hoặc hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Hay đối với nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thì bản thân các DN này chưa thật sự chủ động tìm kiếm, nắm bắt thông tin, chương trình, nội dung của các cơ quan, tổ chức để được hỗ trợ trong chuỗi giá trị.

Để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, qua đó giúp DN tỉnh nhà “đủ lớn” và “đủ mạnh”, các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền đến DN; đồng thời, có ngay các giải pháp khai thông các khó khăn trong thực hiện chính sách này.

KIM TRUNG